Hiệu quả mô hình “Nhóm phụ nữ tiết kiệm tự quản từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng” tại bản Cổng Chặp, xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu

Buổi sinh hoạt của nhóm phụ nữ tiết kiệm tự quản bản Cổng chặp

Bản Cổng Chặp 187 hộ, 839 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Hằng năm cộng đồng bản quản lý bảo vệ tốt 364,46 ha rừng cung ứng dịch vụ môi trường với số tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả bình quân trên 170 triệu đồng/năm. Trong đó thực hiện quy chế quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng của bản, Cộng đồng đã trích khoảng 15% tổng số tiền DVMTR hỗ trợ cho Nhóm phụ nữ tiết kiệm tự quản.

Nhóm do hội phụ nữ quản lý, nguồn vốn hoạt động của nhóm được trích từ tiền DVMTR của cộng đồng bản và nguồn vốn của các thành viên trong nhóm tiết kiệm thông qua hình thức mua cổ phần, tạo nguồn vốn quay vòng cho các thành viên trong nhóm vay để phát triển kinh tế. Lãi suất vay (1%/tháng), thời hạn vay (12 tháng), mệnh giá cổ phần (mệnh giá 01 cổ phần là 50.000 đồng) do các thành viên trong nhóm tự quyết định. Mô hình được thiết kế đơn giản, vận hành bài bản và an toàn, giải ngân nhanh, được giám sát chặt chẽ bởi tất cả các thành viên trong nhóm và ban quản lý bản, Hội liên hiệp phụ nữ xã bước đầu đem lại hiệu quả đáng ghi nhận. 

anh tin bai

Thành viên nhóm phụ nữ tiết kiệm tự quản thực hiện việc trả lãi và mua cổ phần

Chị Vừ Thị Trai Trưởng nhóm phụ nữ tiết kiệm bản Cổng Chặp, xã Phỏng Lái, thông tin từ khi thành lập nhóm đến nay số tiền ban quản lý nhóm hiện đang quản lý cho vay là 113.100.000 đồng (trong đó số tiền DVMTR là 92.500.000 đồng, số tiền mua cổ phần đầu năm của các thành viên là 20.600.000 đồng). Vốn vay được các thành viên trong nhóm sử dụng để phát triển kinh tế hộ gia đình như mua con giống, cây giống, phân bón, đầu tư và phát triển mô tình trồng rau, củ quả …. Chị cho biết thêm đầu năm 2024, chị được ban quản lý nhóm cho vay 10 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Chị đã dùng số tiền được vay cộng với vốn của gia đình để đầu tư chuồng trại và mua 10 con lợn giống về nuôi. Cuối năm sau khi xuất bán đàn lợn, trừ chi phí và trả lại vốn cho Nhóm chị có thêm nguồn vốn để tái đầu tư vào chăn nuôi. 

anh tin bai

Từ nguồn vốn của nhóm giúp cho các thành viên có thêm vốn để phát triển chăn nuôi

Chị Thào Thị Giông, thành viên của nhóm chia sẻ: Tháng 3 năm 2024 tôi đề xuất nhu cầu vay vốn và được cho vay 11 triệu đồng để đầu tư trồng bí đao với diện tích 0,5 ha, tôi sử dụng số tiền vay để mua hạt giống, phân bón và đầu tư hệ thống ống nước, cuối năm gia đình thu được trên 90 triệu đồng. Tham gia vào nhóm phụ nữ tiết kiệm tự quản, tôi được chủ động về tài chính, biết cách tiết kiệm, học được các mô hình chăn nuôi, trồng trọt biết áp dụng để phát triển kinh tế cho chính gia đình mình.

anh tin bai

Các thành viên trong Nhóm chia sẻ kinh nghiệm, cách làm kinh tế để cùng nhau phát triển

Ông Mùa A Xó Bí thư Chi bộ - Trưởng bản Cổng Chặp đánh giá: Số tiền DVMTR của cộng đồng bản được nhóm quản lý an toàn, hiệu quả và hàng năm đều tăng trưởng. Cần nhân rộng mô hình này vì những lợi ích mà mô hình này đem lại, đáp ứng được nhu cầu vay vốn để đầu tư sinh kế nhỏ, giúp người dân địa phương tiết kiệm sinh lời.

Về mặt xã hội, mô hình này gắn kết thành viên thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ sẽ làm cho người dân trong cộng đồng gắn kết hơn, có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt qua đó giúp đỡ và cùng nhau phát triển, hạn chế phát sinh các mâu thuẫn trong cuộc sống, gắn kết các thành viên trong cộng đồng với nhau.

Lường Phiêng - Chi nhánh Thuận Châu – Quỳnh Nhai

Thông tin mới nhất

Tin tức

TRANG THÔNG TIN QUỸ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG

Địa chỉ: Số 56A, Tổ 3, Phường Chiềng Lề, TP Sơn La, Tỉnh Sơn La
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Đức Thuận - Giám đốc, Điện thoại: 02123.754.198
Giấy phép số 02/GP-TTĐT, Sở Thông tin truyền thông cấp ngày 10 tháng 11 năm 2022
Ghi rõ nguồn Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La (qbvptrsonla.gov.vn) khi trích dẫn tin