Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang góp phần quan trọng
giúp nhân dân huyện Phù Yên có thêm nguồn thu cải thiện cuộc sống; các xã, bản
có thêm nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, xây dựng nông thôn mới. Từ đó,
trách nhiệm, nhận thức về bảo vệ, phát triển rừng của cộng đồng dân cư được
nâng lên, có thêm những cánh rừng phát triển xanh tốt, tỷ lệ che phủ rừng trên
địa bàn huyện ngày một nâng lên.
Cán bộ Kiểm lâm địa
bàn và nhân dân bản Lềm, xã Huy Tân tuần tra bảo vệ rừng.
Theo
cán bộ kiểm lâm địa bàn và nhân dân bản Lềm, xã Huy Tân đi tuần tra bảo vệ
rừng, phát đường băng cản lửa phòng, cháy chữa cháy rừng. Ấn tượng với chúng
tôi là khung cảnh núi rừng xanh tốt, không khí mát mẻ, trong lành; dòng suối
trong veo chảy róc rách, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất
của bản.
Anh
Đinh Văn Mừng, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Lềm, thông tin: Bản Lềm hiện nay được
giao khoanh nuôi, bảo vệ hơn 400 ha rừng, chiếm gần một nửa diện tích rừng của
xã Huy Tân. Bản thành lập 10 tổ quản lý bảo vệ rừng và PCCCR theo các nhóm liên
gia tự quản. Các tổ có nhiệm vụ luân phiên tuần tra, bảo vệ rừng; ngăn chặn
hành vi xâm hại rừng, dọn dẹp, phát đường băng cản lửa để hạn chế tối đa nguy
cơ cháy rừng; tuyên truyền nhân dân nâng cao nhận thức bảo vệ, PCCCR… Nhờ đó,
nhiều năm trở lại đây, bản không có hiện tượng chặt phá rừng, không xảy ra cháy
rừng.
Tuyến đường bản Lềm
được bê tông hóa.
Cũng
chính nhờ việc bảo vệ tốt những cánh rừng, hằng năm người dân bản Lềm được chi
trả hơn 50 triệu đồng tiền khoanh nuôi bảo vệ và chi trả dịch vụ môi trường
rừng. Anh Đinh Văn Hướng, bản Lềm, cho biết: Cái lợi lớn nhất khi mọi
người đều đồng lòng bảo vệ rừng là được hưởng môi trường trong lành, có nước
sinh hoạt và sản xuất. Hằng năm, nhờ có tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng,
giúp cho bản có tiền để đổ bê tông các tuyến đường nội bản, xây dựng nhà văn
hóa...
Nhân dân xã Huy Tường tham gia trồng rừng sản xuất.
Còn
tại xã Huy Tường ngoài huy động nội lực trong dân, các bản trích kinh phí chi
trả dịch vụ môi trường rừng hằng năm để làm các tuyến đường giao thông nội bản,
liên bản theo phương thức chi trả dần trong các năm. Toàn bộ diện tích rừng
được bảo vệ tốt, phát huy chức năng phòng hộ, cải thiện môi trường và bảo vệ
nguồn nước.
Ông Hà
Thanh Chúc, Chủ tịch UBND xã Huy Tường, thông tin: Xã có 880 ha rừng được
nghiệm thu, chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hằng năm, UBND xã phối hợp với Chi
nhánh Quỹ bảo vệ và phát triển rừng huyện, Hạt Kiểm lâm huyện tiến hành chi trả
khoảng 150 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng cho 260 chủ rừng, đã tạo
thêm động lực để bà con nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chăm sóc, bảo
vệ, PCCCR và có thêm nguồn vốn để đầu tư sản xuất. Từ năm 2022 đến nay, nhân
dân trong xã đã trồng mới 20 ha rừng sản xuất.
Tuyến đường lên bản Suối Nhúng, xã Huy Tường được bê tông hóa.
Được
hưởng lợi từ chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, ý thức, trách
nhiệm của cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao
khoán ngày càng được nâng lên.
Ông Lê
Văn Thanh, Phó trưởng Chi nhánh Quỹ bảo vệ phát triển rừng Chi nhánh Phù Yên -
Bắc Yên, thông tin: Hằng năm, Chi nhánh phối hợp với Hạt Kiểm lâm và các cơ
quan chuyên môn của huyện, UBND các xã, thị trấn rà soát, bổ sung diện tích đủ
điều kiện, giao khoán bảo vệ rừng hoàn thành việc xác định diện tích rừng được
chi trả dịch vụ môi trường rừng. Riêng năm 2022, Chi nhánh đã phối hợp chi trả
trên 9,1 tỷ cho 1.857 chủ rừng, giúp người dân cải thiện cuộc sống, người dân
gắn bó hơn với rừng và có ý thức trách nhiệm cao với việc giữ rừng; nhờ đó, tỷ
lệ che phủ rừng của huyện đạt 49,2%.
Đến
nay, các bản trên địa bàn huyện huyện Phù Yên đều thành lập tổ bảo vệ rừng,
thường xuyên tuần tra, canh gác rừng, nhất là vào mùa khô hanh. Từ nguồn tiền
dịch vụ môi trường rừng được hưởng hằng năm, các bản đã trích hơn 860 triệu
đồng xây dựng mới, sửa chữa 55 công trình nhà văn hóa, đường giao thông, lớp
học, bể đốt rác thải, lắp hệ thống đèn chiếu sáng đường nội bản, khu dân cư…
Chính
sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định,
là nguồn lực để người dân làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; góp phần quan
trọng trong việc bảo vệ diện tích rừng hiện có và phát triển bền vững tài
nguyên rừng.
Trích nguồn: Baosonla.org.vn./.