Các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân cơ bản (Hình từ Internet)
Ngày 17/04/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó quy định
Dữ
liệu cá nhân là
thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng
tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp
xác định một con người cụ thể. Dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản (gồm: họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm
sinh, giới tính, nơi sinh, nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, quê
quán, địa chỉ liên hệ, quốc tịch; hình ảnh của cá nhân; số điện thoại, số thẻ CCCD ..) và dữ liệu cá nhân nhạy cảm (quan điểm chính trị, quan điểm tôn giáo; tình trạng sức
khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án; thông tin liên quan đến nguồn gốc
chủng tộc, nguồn gốc dân tộc ..).
Quyền
của chủ thể dữ liệu trong hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân bao gồm:
(1)
Quyền được biết:
Chủ thể dữ liệu được biết về hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ
trường hợp luật có quy định khác.
(2)
Quyền đồng ý:
Chủ thể dữ liệu được đồng ý hoặc không đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân
của mình, trừ trường hợp quy định tại Điều 17 Nghị định này.
(3)
Quyền truy cập:
Chủ thể dữ liệu được truy cập để xem, chỉnh sửa hoặc yêu cầu chỉnh sửa dữ liệu
cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.
(4)
Quyền rút lại sự đồng ý: Chủ thể dữ liệu được quyền rút lại sự đồng ý của mình,
trừ trường hợp luật có quy định khác.
(5)
Quyền xóa dữ liệu:
Chủ thể dữ liệu được xóa hoặc yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường
hợp luật có quy định khác.
(6)
Quyền hạn chế xử lý dữ liệu: Chủ thể dữ liệu được yêu cầu hạn chế xử lý
dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác; Việc hạn chế xử
lý dữ liệu được thực hiện trong 72 giờ sau khi có yêu cầu của chủ thể dữ liệu,
với toàn bộ dữ liệu cá nhân mà chủ thể dữ liệu yêu cầu hạn chế, trừ trường hợp
luật có quy định khác.
(7)
Quyền cung cấp dữ liệu: Chủ thể dữ liệu được yêu cầu Bên Kiểm soát dữ liệu cá
nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân cung cấp cho bản thân dữ liệu cá
nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.
(8)
Quyền phản đối xử lý dữ liệu: Chủ thể dữ liệu được phản đối Bên Kiểm soát dữ
liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân xử lý dữ liệu cá nhân của
mình nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế tiết lộ dữ liệu cá nhân hoặc sử dụng cho mục
đích quảng cáo, tiếp thị, trừ trường hợp luật có quy định khác; Bên Kiểm soát
dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện yêu cầu của
chủ thể dữ liệu trong 72 giờ sau khi nhận được yêu cầu, trừ trường hợp luật có
quy định khác.
(9)
Quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện: Chủ thể dữ liệu có quyền khiếu nại, tố cáo
hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.
(10)
Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại: Chủ thể dữ liệu có quyền yêu cầu bồi thường
thiệt hại theo quy định của pháp luật khi xảy ra vi phạm quy định về bảo vệ dữ
liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có
quy định khác.
(11)
Quyền tự bảo vệ:
Chủ thể dữ liệu có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác
có liên quan và Nghị định này, hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực
hiện các phương thức bảo vệ quyền dân sự theo quy định tại Điều 11 Bộ luật Dân
sự.
Nghị định 13/2023/NĐ-CP
có hiệu lực từ ngày 01/07/2023.
Tác giả: Lê Viết Phú, Phòng Tổ chức – Hành chính